Cách bảo quản sữa mẹ khi đi làm lại
“Lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ” một câu tuy nghe có vẻ như là điều tất yếu thuận theo tự nhiên nhưng trên thực tế để làm “mẹ sữa” không hề đơn giản đối với những mẹ đi làm. Làm sao để vẫn có sữa mẹ cho con bú mà vẫn đảm bảo được công việc thực sự không hề đơn giản.
Sữa mẹ có thể bảo quản trong tủ lạnh mà không mất đi giá trị dinh dưỡng, quan trọng là phải thực hiện đúng việc cất giữ, rã đông và hâm nóng. Vì vậy các mẹ hãy lưu ý những điều sau để bảo quản tốt nhất nguồn sữa cho bé yêu nhé:
Xem thêm: Bảo quản sữa mẹ khi đi làm lại
Thời gian tối đa lưu giữ sữa
- Để ngoài phòng trên 26 độ C: 1 tiếng
- Phòng điều hòa nhiệt độ dưới 26 độ C: 6 tiếng
- Ngăn mát tủ lạnh: 48h
- Ngăn đá tủ lạnh nhỏ (tủ lạnh 1 cửa): 2 tuần
- Ngăn đá tủ lạnh 2 cửa (ngăn đá có cửa riêng): 4 tháng
- Tủ đông chuyên dụng: 6 tháng
Dụng cụ bảo quản sữa
- Bình, cốc trữ sữa (thủy tinh hoặc nhựa không chứa BPA) có thể rửa sạch và dùng lại nhiều lần. Tuy nhiên bạn nên lưu ý bình thủy tinh khi trữ trong ngăn đông không nên để quá đầy tránh bị vỡ khi rã đông. Các mẹ nên sắm nhiều bình 5-10 bình để tiện cho việc hút cũng như lưu trữ sữa.
- Túi trữ sữa: có thể chọn loại 2 dây kéo dày dặn để đảm bảo an toàn khi lưu trữ cũng như trữ đông (bạn có thể lựa chọn loại mềm để tiết kiệm không gian lưu trữ như sunmom hay lasinoh…)
- Bút dạ (loại để ghi đĩa CD) để ghi ngày, tháng, năm lên bịch để tránh bị quá hạn
Cách bảo quản sữa hút ra trong ngày
- Đối với mẹ ở nhà: Mẹ hút sữa vào các bình và chia theo cữ ăn của bé trong ngày. Cuối ngày khi còn dư lượng sữa mẹ trút vào túi cất đi. Lưu ý tránh cất sữa bé bú còn thừa với sữa cất đi. Phần sữa thừa không hết chỉ có thể cho bé bú lại trong vòng 1-2 tiêếng và không trữ đông lại nhé.
- Sữa mới hút các mẹ cần để cùng trong tủ lạnh về một nhiệt độ rồi mới trút vào bình hoặc túi để đảm bảo không bị chênh lệch gây hỏng sữa nhé.
- Đối với các mẹ đi làm: Nếu cơ quan có tủ lạnh thì mẹ cũng bảo quản theo cách trên. Cuối ngày cất bình vào túi đá khô và mang về nhà. Còn nếu cơ quan không có tủ lạnh thì mẹ nên để 1 túi ít nhất 2 cục đá khô to để đảm bảo trữ được sữa trong đủ 8h ở cơ quan nhé. Về nhà mẹ có thể để lượng sữa hút trong ngày cho con ăn vào hôm sau còn sữa dư trong ngày hôm trước cũng trút vào bịch cất đi nhé.
Cách rã đông sữa, hâm ấm
- Trước khi cho bé sử dụng sữa trữ đông bạn cần cho bịch sữa đông xuống ngăn mát ít nhất là 1 ngày để sữa không bị rã đông đột ngột gây ảnh hưởng đến chất lượng của sữa. Phần sữa đã rã đông sẽ chỉ nên sử dụng trong vòng 24h thôi các mẹ nhé.
- Khi cho bé ăn mẹ trút ra bình và hâm ở nhiệt độ 40 độ C đến khi vừa đủ ấm và cho bé bú. Tuyệt đối không dùng nước nóng quá hoặc nước sôi vì sẽ làm mất dinh dưỡng của sữa. Và các mẹ lưu ý không lắc quá mạnh bình sữa làm mất đi chức năng bảo vệ của sữa mẹ
- Các mẹ lưu ý sữa đã rã đông nếu bé không bú hết cần bỏ đi chứ không dùng lại hay trữ lại nhé. Và cũng không pha sữa đông thừa với sữa mới vắt.
Cách bảo quản sữa khi mất điện
Trường hợp mất điện quá lâu các mẹ nên mua hoặc mượn thùng giữ lạnh, đồng thời mua thêm đá cây để giữ cho sữa đông không bị tan chảy. Khi có điện, mẹ lại chuyển sữa trở vào ngăn đá.
Cách trữ sữa bằng tủ đông/ngăn đá tủ lạnh
- Với mỗi túi trữ sữa các mẹ cần lưu ý để tiết kiệm không gian lưu trữ các mẹ nên ép hết không khí ra khỏi túi (bóp phía dưới túi để đẩy toàn bộ hơi ra ngoài), hàn kín miệng. Đặc biệt tránh để lượng sữa quá đầy dẫn tới việc khó đẩy không khí và túi sữa sẽ căng thì không còn tiết kiệm được không gian.
- Ngoài ra để đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn chéo vào sữa nếu để trong ngăn đá tủ lạnh đựng nhiều loại đồ ăn khác nhau, các mẹ nên bọc thêm 1 lớp túi ziplock bên ngoài (có thể 1 túi to đựng khoảng 4-6 bịch sữa) để bảo quản mà không quá tốn diện tiích như đặt trong hộp nhựa.