Thời hiện đại, cuộc sống bận rộn với muôn vàn nỗi lo toan, các bạn trẻ thường làm ngày 8 tiếng ở cơ quan, buổi tối còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao khả năng của bản thân, đáp ứng hoặc muốn thăng tiến trong công việc: học thêm, làm thêm, những mối quan hệ khách hàng …Quỹ thời gian ngày càng trở nên hạn hẹp. Vì thế thời gian để yêu đương, phát triển các mối quan hệ tình cảm cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó môi trường làm việc lại giúp cho giới trẻ tiếp xúc được nhiều đồng nghiệp khác giới cùng trang lứa, gần gũi tạo nên những cặp đôi và họ nên duyên vợ chồng từ mối quan hệ đồng nghiệp. Vì thế quan niệm “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan” đã không còn quá nặng nề hay gây ác cảm.
Tuy nhiên, phía sau tình yêu công sở, còn nhiều vấn đề phải bàn.” Lấy chồng là đồng nghiệp những điều bạn cấn biết” là lời mách nhỏ của Deptuoi30 muốn chia sẻ tới chị em trong bài viết này.
Tình yêu nơi công sở có nhiều điều thuận lợi
Thủa mới yêu bao giờ cũng đẹp, bởi khi yêu người ta luôn có cảm giác nhớ nhung, dù thời gian dành cho nhau bao nhiêu vẫn thấy thiếu. Đặc biệt đối với những ngành nghề đặc thù hoặc làm cơ quan, công sở, làm công nhân….Với quỹ thời gian hạn chế ấy mà có người yêu làm cùng công ty là điều vô cùng thuận lợi cho cả hai người từ việc đưa đi, đón về, đi chơi, tham gia các sự kiện, hỗ trợ nhau trong công việc… đều thỏa mãn cho cả hai.
Trong mắt nửa kia thì người yêu của mình thật đẹp và tâm lý. Họ đều hiểu được cuộc sống, tính cách, công việc của đối phương vì thế có sự tin tưởng hơn.
Thêm vào đó tình yêu giống như động lực khiến thời gian trôi nhanh hơn, công việc suôn sẻ hơn. Cũng từ động lực đó như tăng thêm sức mạnh cho bạn lao động hăng say hơn để “ghi điểm” với người ấy.
Trong các mối quan hệ khác ở văn phòng mỗi người đều muốn hoàn thiện bản thân, ăn mặc chỉn chu và cư xử nhã nhặn với mọi người….
Xem thêm: Tâm lý đàn ông khi yêu thật lòng >>
Lấy chồng là đồng nghiệp lợi hay hại?
Một thời gian sau khi cưới, vợ chồng son làm cùng cơ quan hạnh phúc lắm, đi đâu cũng có đôi, có cặp: từ việc song hành đi làm tiết kiệm xăng xe và kha khá các khoản khác, buổi trưa có người đi ăn uống, tâm sự, về nhà chia sẻ nỗi niềm, áp lực trong công việc, trợ giúp nhau khi có việc đột xuất hoặc những vấn đề nảy sinh trong công việc…đến việc dễ dàng “để mắt” đến người kia khi có những biểu hiện bất thường. Người ngoài nhìn vào sẽ thầm cảm thấy ngưỡng mộ, tuy nhiên những vấn đề, mâu thuẫn cũng dễ nảy sinh.
Nhưng thời gian mộng mơ, đẹp đẽ đó sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn bởi nhiều yếu tố nảy sinh nếu hai vợ chồng không xác định được những định hướng giao tiếp rõ ràng.
Khi lấy chồng là đồng nghiệp thì chuyện nhà dễ thành chuyện cơ quan và ngược lại. Nếu cả hai không khéo léo, không có những giới hạn cần thiết thì những chuyện cơ quan sẽ chi phối nhiều đến cuộc sống gia đình.Thêm vào đó, những giới hạn đó rất khó đặt ra và theo sát nên những mâu thuẫn trong gia đình dễ là đề tài ở công sở. Điều này rất đơn giản chỉ cần một trong hai người có thái độ bất thường dễ trở thành đề tài bàn tán của đồng nghiệp.
Cư xử thế nào khi: Lấy chồng là đồng nghiệp?
Lấy chồng là đồng nghiệp, lợi có, hại có, vấn đề làm sao để cân đối và phân định rõ ràng, hài hòa các mối quan hệ:
- Thứ nhất cần xác định rõ ràng công tư để ứng xử cho phù hợp: Đây là điều quan trọng bởi nếu không xác định rõ đâu là công việc đâu là gia đình thì không thể tránh khỏi những mâu thuẫn nảy sinh mà không thể lường hết được.
Không nên để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến công việc. Ví như nếu người chồng của bạn vô tư kể về những điều bức bối về bạn với đồng nghiệp thì câu chuyện gia đình bạn sẽ dễ trở thành đề tài ngồi lê đôi mách khiến cả hai vợ chồng đều cảm thấy không gian văn phòng trở nên căng thẳng, khó thở.
- Thứ 2 sự tôn trọng: thiếu đi điều này trong công sở thì vợ chồng bạn sẽ làm trò cười cho mọi người.
Dù ở cơ quan là mối quan hệ sếp- nhân viên thì về nhà hai người nhất thiết phải có sự bình đẳng.
- Thứ 3 gia đình là số 1: cơ quan là nơi để phấn đấu còn gia đình là chốn bình yên, thư giãn. Vợ chồng phấn đấu trong công việc cũng vì gia đình, vì thế gia đình là nơi ưu tiên số 1. Không nên để những áp lực, stress công việc trở thành không khí nặng nề của gia đình.
- Thứ 4 Dù thế nào thì mỗi người cũng cần một không gian riêng tư nhất định:
ở cơ quan hay ở nhà để mỗi người có không gian phát huy tính sáng tạo, bộc lộ những ưu điểm cá nhân và không cảm thấy nhàm chán, có người luôn kè kè theo sát.
Không nên áp đặt suy nghĩ hoặc tham gia quá sâu vào mảng công việc của nhau nếu không cùng ngành. Trong những mối quan hệ với đồng nghiệp khác, mỗi người đều cần có một không gian riêng, để thể hiện mình, không có cảm giác mình luôn bị trói buộc.
Kết luận:
Vấn đề gì cũng có hai mặt và ranh giới của chúng quả là quá mong manh, vì thế lấy chồng là đồng nghiệp nhiều chị em rất thích thú, tuy nhiên cũng nhiều người e ngại.
Lấy chồng là đồng nghiệp thực sự sẽ là thuận lợi, là nguồn cổ vũ động viên lớn khi bạn gặp được một nửa biết tôn trọng, đồng cảm và chia sẻ những khó khăn trong công việc. Nếu ngược lại thì thực sự là bất ổn.
Trong mối quan hệ vợ chồng trong công sở, điều quan trọng là phải biết dung hòa các mối quan hệ, cách cư xử, tối kỵ quá đề cao cái tôi mà làm sứt mẻ mối quan hệ với “đồng nghiệp” tốt và với người đồng hành cùng mình trong cuộc sống.